Những món ăn “lạ” miệng ở miền Tây

Miền Tây, vùng đất được tạo hóa ưu ái ban tặng sự trù phú, phì nhiêu, màu mỡ… nên ẩm thực miền tây đa dạng như chính sự màu mỡ của vùng đất nay, với những món ăn mà chỉ riêng miền tây mới có.

Những món ăn “lạ” miệng của miền Tây sông nước

Đuông dừa

“Anh về miền đất xứ dừa/ Nhớ đi thưởng thức đừng chừa món đuông”

Đuông dừa là một loài ấu trùng của bọ cánh cứng như kiến dương. Loài bọ này thường chọn những cây dừa to khỏe để đẻ trứng, nở thành ấu và ăn cổ hũ dừa để lớn dần. Đây là một trong những đặc sản quý của người sành ẩm thực. Tuy ngon nhưng không phải ai cũng dám thử.

Dù con đuông đục khoét làm hư hại cây dừa nhưng đuông dừa ăn rất ngon và lại là đặc sản Bến Tre độc đáo có “một không hai” nên được người dân nơi đây rất quý.

Đuông dừa được biến tấu thành nhiều món hấp dẫn. Dễ chế biến và được nhiều người ưa thích là đuông dừa sống ăn kèm với nước mắm ớt. Những con đuông còn sống được thả vào chén rượu trắng để tự thải ra các chất bẩn sau đó rửa sạch và cho vào chén mắm ớt.

Nhìn con đuông ngọ nguậy nhiều người sẽ không dám động đũa nhưng đã thử thưởng thức qua, vị béo ngọt sẽ làm du khách thòm thèm. Ngoài ăn sống, đuông còn được chế biến thành nhiều món thơm ngon khác như đuông chiên bơ, đuông hấp sôi hay đuông dừa nấu cháo

Rắn mối

Rắn mối có nhiều nhất ở miền Tây và xuất hiện quanh năm. Sơ chế rắn mối bằng cách làm sạch sau đó nhúng vào nước sôi và cạo sạch vảy. Chặt bỏ hết phần đầu, chân và bỏ ruột, tuyệt nhiên không được bỏ đuôi vì đây là phần ngon và bổ nhất. Sau đó, rắn mối được chiên giòn nguyên con và ăn với mắm ớt.

Nhìn những con rắn mối chình ình trên đĩa nguyên con bạn sẽ cảm thấy e ngại vì dáng hình lạ lẫm, tuy nhiên khi đã ngấm qua vị thơm, thịt của nó sẽ khiến bạn muốn thưởng thức thêm lần thứ hai. Ngoài chiên rắn mối còn nhiều cách chế biến khác như xào sả ớt hay nướng mọi.

Thịt Chuột

Thịt chuột đồng được chế biến thành nhiều món đặc trưng, thơm ngon và ngọt thịt nhất vẫn là chuột nướng trui ngay ngoài đồng, lột da xé miếng chấm muối ớt hay muối tiêu chanh.

Nhiều người còn biến tấu thêm nhiều món độc đáo khác như chuột hấp chanh, chuột nấu cơm mẻ, chuột xào lăn, quay lu hay khìa nước dừa… Chuột đồng đã trở thành thương hiệu độc đáo của người miền Tây khi đã có mặt tại các nhà hàng, quán ăn sang trọng khắp ở Sài Gòn.

Cá lóc nướng trui

Cá lóc nướng trui nóng hổi, gói với bánh tráng, ăn kèm với mắm nêm được xem là một đặc sản nơi đây. Để có món cá lóc ngon bạn phải chọn những con cá tươi, có kích thước vừa phải khoảng 500g, nếu nhỏ quá nướng sẽ bị khô thịt, to quá thì lại khó nướng chín phần thịt phía trong.

Cá nướng ăn kèm với rau sống cuốn bánh tráng và tùy khẩu vị từng người có thể chấm với nước mắm tỏi ớt, mắm me hay muối ớt chanh đều rất ngon. Nếu không thích lắm về món cá lóc nướng trui các bạn có thể chọ cá lóc hấp bầu. Món này vẫn giữ được vị ngọt tự nhiên của cá, những bàn nhậu của dân Miền Tây không thể thiếu được món này

Cá linh chiên bột

Cá linh là loại cá nước ngọt, có nhiều ở miền Tây Nam bộ. Món cá linh chế biến theo cách của người người miền Tây thường không tẩm bột khô. Để tăng vị béo của bột, có thể cho thêm vào bột lòng đỏ trứng rồi tán đều. Cũng có thể xắt sợi củ khoai môn trộn cùng vào để có vị bùi bùi sau khi chiên. Sau khi pha trộn bột, cho cá linh đã rửa sạch vào trộn đều.

Người miền Tây Nam bộ thường cuốn cá với cải bẹ xanh, cải xà lách, rau tía tô, dấp cá, rau quế, húng cây. Nước mắm đâm cùng tỏi, ớt, chanh, đường và pha chua chua ngọt ngọt. Cá linh tẩm bột chiên giòn chỉ ăn với rau cho đến khi no bụng.

Gỏi sầu đâu

Lá sầu đâu nhỏ, dài và mọc đối xứng qua cuống, đọt non có màu tim tím. Mùa nước nổi, lá sầu đâu mơn mởn, non tơ, chấm mắm kho, cá kho, ăn với cá linh non kho mẳn hoặc ăn kèm với mắm thái, mắm chưng… mới nghe vị đăng đắng mà ngọt của lá sầu đâu, càng ăn càng cảm thấy khoái khẩu.

Món gỏi sầu đâu càng tuyệt chiêu hơn, tôm, thịt, cá… thứ nào trộn gỏi cũng tuyệt. Gỏi sầu đâu mới ăn thường cảm thấy đắng, nhưng đã biết là phát ghiền, nhất là trộn chung với khô cá lóc, cá sặt rằn; hoặc trộn với khô cá tra phồng, cá dứa cũng ngon đáo để.

Không những có được món gỏi ngon mà tài liệu y dược cho biết, đọt sầu đâu có chất khổ vị tố (chất đắng) trị lãi. Còn theo kinh nghiệm dân gian thì đọt sầu đâu làm mát gan, chống lãi và trị nhức mỏi. Đến miền Tây Nam bộ mà chưa thử qua món này xem như chưa biết gì về ẩm thực miền Tây.

Củ hủ dừa

Trái tim của dừa, củ hũ dừa, là phần non nhất trên đọt cây dừa. Nó ngọt, mát dịu, là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe. Từ xưa, người dân đã biết lột vỏ ngoài để lấy phần ngon lành nhất này, chế biến thành vô vàn món ăn hấp dẫn, quyến rũ.

Đó là củ hũ dừa xào lòng gà, củ hũ dừa chiên bánh xèo, củ hũ dừa xào tôm, củ hũ dừa bóp xổi, củ hũ dừa nấu tôm thịt, gỏi củ hũ dừa, canh củ hũ dừa nấu thịt viên, hoặc đơn giản là ăn sống… Bao nhiêu tinh túy của đất trời và chắt chiu của cây đều được thể hiện khi dùng món. Vị ngọt ngọt, mà giòn giòn khi nhai, chất tươi, nước trong từng miếng củ hũ dừa làm món ăn dễ thẩm thấu và phù hợp với nhiều người.

Gỏi dưa bồn bồn

Bồn bồn là một dạng cỏ thủy sinh mọc rất nhiều ở tất cả các vùng ruộng ngập nước của vùng Bạc Liêu, An Giang, Tiền Giang v.v.. Bồn bồn tươi dùng trong các món lẩu, trộn gỏi, xào tép… còn nếu đem nấu dừa ăn với cá kho tiêu cũng rất bắt.

Dưa bồn bồn là một món dưa muối được làm từ phần gốc non của cây bồn bồn ủ trong nước gạo pha muối. Đây là một trong những món ăn đặc trưng của vùng Gò Công. Khi ăn, dưa bồn bồn thường được chấm nước tương, nước cá kho, thịt kho. Dưa bồn bồn còn được xào cùng tép, thịt, cá, hoặc dùng để nấu canh chua với các loại cá như cá ngác, cá rô, cá bông lau, cá ba sa, cá dứa.

Nếu du lịch về miền Tây, nhớ thưởng thức món ngon này để cảm nhận được hết hương vị đậm đà, dân dã của ẩm thực nam bộ.

Ba khía

Ba khía muối được xem là đặc sản của vùng sông nước miền Tây. Con ba khía sau khi bắt về phải rửa sạch bằng nước muối trước khi chế biến. Ngâm ba khía đã rửa sạch trong dung dịch nước muối này khoảng 5 ngày. Ba khía vẫn giữ màu sắc như lúc còn sống là đạt chất lượng. Ba khía muối có thể bảo quản trong thời gian rất lâu.

Ba khía muối sau 5 ngày mặc dù có thể ăn được nhưng để tăng thêm độ thơm ngon của món này ta cần phải chế biến lại một lần nữa. Cách làm cũng không quá phức tạp, ta chỉ cần Chọn những con ngon nhất rửa sạch, tách bỏ phần mai, bẻ nhỏ cho vào tô trộn đều với khế chua, lá quế, tỏi, ớt, đường, bột ngọt và một ít nước cốt chanh để trong vòng 2 tiếng cho thấm gia vị là dùng được.

Dơi quạ hấp chao

Dơi quạ chỉ xuất hiện hai lần trong một năm ở vùng U Minh. Lần đầu là đúng vào mùa sầu riêng trổ bông và lần thứ hai vào thời điểm mùa chôm chôm chín, khoảng Tết Ðoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch).

Khi sơ chế, người ta thường lột da, bỏ cánh và đầu để tránh mùi hôi của dơi, sau đó ướp chung chao ớt. Điểm đặc biệt là chao ớt này đã được nêm nếm gia vị, đánh nhuyễn với thịt sau đó mới cho dơi vào đem hấp cách thủy.