Kinh nghiệm du lịch bụi, phượt đảo Lý Sơn A – Z

dao ly son

Với đường bờ biển trải dài từ Nam chí Bắc, Việt Nam ta sở hữu không ít những bãi biển hay các đảo ngọc tuyệt đẹp có thể sánh ngang cùng các thiên đường nghỉ dưỡng như Bali, Maldives, hay Koh Rong Saloem. Và trong số đó, sẽ thật là thiếu sót nếu như không kể đến đảo Lý Sơn, hòn đảo tiền tiêu của Tổ Quốc, hòn đảo được ví như là “đảo tiên” giữa biển khởi bao la, và đẹp đúng nghĩa “biển xanh – cát trắng  – nắng vàng”.

Thời gian gần đây, Lý Sơn đã và đang là một điểm du lịch có sức hút rất lớn dành cho những ai có nhu cầu du lịch tự túc.

Vì vậy, để giúp bạn giảm bớt những bỡ ngỡ ban đầu khi đặt chân đến hòn đào này, bài viết này, Thichkhampha.net sẽ chia sẻ cùng bạn tất tần tật những kinh nghiệm du lịch bụi, phượt khám phá đảo Lý Sơn từ A – Z. Cùng tham khảo nhé.

Đôi nét về đảo Lý Sơn

Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của Quãng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền khoảng 30km, với diện tích gần 10km2 và dân số hơn 20.000 người.

Toàn huyện đảo Lý Sơn có cả thảy 3 hòn đảo là Đảo Lớn, Đảo Bé và hòn Mù Cu. Đảo Lớn còn gọi là Cù Lao Ré, mà theo cách lý giải của dân gian là “cù lao có nhiều cây Ré”, là trung tâm của Lý Sơn. Đảo Bé còn có tên gọi khác là An Bình. Hòn Mù Cu ở phía đông, nằm sát Đảo Lớn, là đảo nhỏ nhất và không có người ở.

dao ly son
Đảo Lý Sơn còn được gọi là xứ tỏi

Nên phượt đảo Lý Sơn mùa nào thích hợp?

Thời tiết ở Lý Sơn tương đối dễ chịu hơn so với đất liền, nên du hí đến Lý Sơn mùa nào cũng được. Tuy nhiên , nếu bạn muốn lưu lại nhiều kỷ niệm hơn khi ở Lý Sơn thì tốt nhất bạn nên lựa chọn đến hòn đảo này vào ba thời điểm tuyệt nhất trong năm là:

  • Mùa hè, trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 9 vì thời tiết khá đẹp và có nắng, phù hợp cho việc đi biển.
  • Mùa tỏi Lý Sơn bắt đầu được trồng vào tháng 9 và thu hoạch vào khoảng đầu tháng 12
  • Lễ khao thề lính Hoàng Sa diễn ra vào các ngày 18-19-20 tháng 3 (âm lịch)

Ra đảo Lý Sơn bằng phương tiện gì?

Để đi Lý Sơn bạn buộc phải đến cảng Sa Kỳ, Quảng Ngãi để bắt các chuyến tàu cao tốc ra đảo.

Có khá nhiều cách để có thể đến được với cảng Sa Kỳ. Bạn có thể đáp chuyến bay đến sân bay Chu Lai, Quảng Nam rồi bắt taxi đi đến cảng, hoặc ngồi xe khách đến Quãng Ngãi hoặc đi tàu hỏa. Để tự túc và thoải mái hơn bạn có thể thuê xe du lịch đến Quảng Ngãi làm một vòng tham quan rồi sau đó đi Lý Sơn cũng rất thích.

Hiện nay, từ cảng Sa Kỳ đi Lý Sơn, mỗi ngày có 3 chuyến tàu cao tốc vào lúc 7h, 8h, và 15h. Và từ Lý Sơn về lại đất liền xuất phát vào 7h, 8h và 13h30. Bạn chú ý thời gian này,tranh thủ đến kịp bến tàu, để không bị lỡ tàu nhé.

Ngoài ra sau khi đã đến Lý Sơn, để có thể tham quan toàn huyện đảo, bạn có thể đón tàu từ đảo Lớn để sang đảo Bé tham quan, vui chơi. Tàu từ Đảo Lớn sang Đảo Bé khởi hành từ 8h sáng và quay lại Đảo Lớn vào lúc 14h30 hàng ngày, các bạn cũng có thể liên hệ với tàu cá của người dân để sang Đảo Bé nhé.

Ra Lý Sơn có 2 phương tiện cho bạn lựa chọn:

  • Tàu gỗ: giá vé 55.000 đồng (Cập nhật 8/9/2014), tàu chạy ra đảo mất 2h.
  • Tàu cao tốc: giá vé 110.000 đồng (Cập nhật 8/9/2014), tàu chạy ra đảo mất 1h.

Bạn có thể đem theo xe máy ra đảo với giá 90.000 đồng (40.000 đồng cho nhân viên đem xe lên tàu ở 2 đầu và 50.000 đồng tiền chuyên chở.)

Mách nhỏ: Nếu thời gian bạn ở đảo hơn 2 ngày. Bạn có thể chọn cho mình cả 2 loại tàu. Đi tàu gỗ chậm hơn nhưng cảm giác lênh đênh trên biển, cá nhảy theo bên dưới rất tuyệt vời. (Bạn ko xay sóng). Khi về bạn có thể chọn tàu cao tốc.

Ở đâu khi ra đảo Lý Sơn?

Thời gian gần đây, Lý Sơn đã trở thành một điểm đến khá thu hút khách du lịch cộng với việc đường điện quốc gia đã kéo ra nên Lý Sơn đã được đầu tư khá nhiều vào các dịch vụ lưu trú. Ở đây, bên cạnh Khách sạn Lý Sơn là khách sạn to nhất đảo, còn có rất nhiều nhà nghỉ giá rẻ khác nên các bạn không phải quá lo lắng với vấn đề qua đêm tại đây.  Một lựa chọn khác cho bạn là di chuyển tới đảo Bé, thỏa sức vui chơi và có thể dựng lều ngủ luôn trên bãi biển. Đây sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị đó.

Bạn có thể xem chi tiết thông tin Nhà nghi, khách sạn, Homestay ở đảo Lý Sơn tại đây.

Ra đảo Lý Sơn tham quan, vui chơi ở những nơi nào?

Dù chỉ là huyện đảo nằm xa đất liền, tuy nhiên danh lam thắng cảnh ở Lý Sơn không hề thua kém những nơi khác. Bạn không cần sợ không có điểm để đi mà chỉ sợ không có đủ thời gian để bạn khám phá hết tất tần tật những điều tuyệt vời ở hòn đảo này mà thôi. Cùng Thichkhampha.net điểm qua một số điểm đến thú vị trên đảo nhé.

Chùa Hang: có tên chữ là Thiên Khổng Thạch Tự, Chùa đá trời sinh ở xã An Hải, đảo Lý Sơn, được lập ra dưới triều vua Lê Kính Tông bởi ông Trần Công Thành, một trong những người đã ở đây tạo dựng cùng với việc khẩn hoang, mở đất lập làng An Hải, An Vĩnh xưa. Gọi là chùa Hang vì chùa nằm trong một hang đá lớn nhất trong hệ thống hang động ở Lý Sơn, được tạo ra từ dãy núi Thới Lới, màu nham thạch, vách núi dựng đứng cao gần 20 m.

Cổng Tò Vò: Từ cầu cảng chính đi vào cổng chào của Lý Sơn, rẽ trái đi meo theo con đường nhỏ đến gần chùa Đục sẽ thấy một mỏm đá nhỏ nằm sát dưới biển. Đây là một trong những địa điểm yêu thích của các bạn đam mê chụp ảnh khi đặt chân tới Lý Sơn, bởi nơi đây chỉ cần đứng dưới mỏm đá, bạn sẽ có cảm giác như đứng giữa ranh giới của đất, trời và biển. Các bạn có thể cùng bạn bè tới đây để đón những khoảnh khắc khi bình minh lên hoặc khi hoàng hôn dần xuống trên đảo.

Hòn Mù Cu: nằm ở phía đông đảo cách trung tâm huyện 3.2 km sát với vũng neo đậu tàu thuyền An Hải. Là nơi rất đẹp bởi những hòn đá đen có nhiều kiểu độc đáo tạo nên, đây cũng là nơi nghĩ mát và ngắm mặt trời mọc lý tưởng trên đảo.

Hang Câu: Nằm ở thôn Đông, xã An Hải (Lý Sơn) dưới chân núi Thới Lới, Hang Câu có một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ giữa một bên là biển, một bên là núi. Hang Câu được sóng và gió biển bào mòn, “khoét sâu” vào lòng núi và hình thành cách nay hàng ngàn năm từ nham thạch. Khung cảnh ở đây còn khá hoang sơ nhưng mang một vẻ đẹp rất thơ mộng, quyến rũ hút hồn du khách.

Cột cờ Tổ quốc trên đỉnh Thới Lới: Công trình Cột cờ Tổ quốc tại huyện đảo Lý Sơn được khởi công xây dựng từ ngày 4.5.2013, trên núi Thới Lới- ngọn núi cao nhất ở đảo Lý Sơn. Cột cờ có chiều cao 20m, đế trụ cờ và móng cột cờ được xây dựng bằng bê tông cốt thép, mặt hướng ra quần đảo Hoàng Sa. Công trình có dạng kiến trúc gồm: Đài cột, thân cột cờ, bậc thềm và khuôn viên xung quanh. Phần móng được chôn sâu dưới lớp đá với kỹ thuật kết cấu móng thường sử dụng cho những ngọn hải đăng vững chắc. Mặt chính trên đài có ghi lại thông tin toạ độ cột cờ. Đài cờ cao 5m, thân màu trắng được bọc ngang bởi khối màu đỏ mang sắc màu lá quốc kỳ.

Đỉnh Thới Lới: Là một ngọn núi lửa đã tắt, đỉnh núi cao nhất của toàn đảo Lý Sơn (149m). Hiện tại trên đỉnh núi có một hồ nước ngọt có thể tích 30.000 m3 cung cấp toàn bộ nước ngọt cho cả 2 đảo lớn và đảo bé.

Đảo Bé: Đảo Bé hay còn gọi là đảo An Bình đúng như tên gọi, có diện tích rất bé. Đảo Bé tuy diện tích rất nhỏ, nhưng lại có một bãi tắm đẹp tuyệt vời với làn cát trắng mịn, bao bọc bởi cánh cung vách đá cao, và những con sóng tung bọt trắng xóa ào ạt ngày đêm. Sang Đảo Bé bạn có thể đi dạo một vòng quanh đảo thăm thú cảnh đẹp, các ruộng tỏi, tới bãi tắm ở phía cuối đảo rồi quay trở lại phía cầu tàu để nghỉ ngơi ăn uống.

Chùa Đục và Quan Âm Đài: Ngôi chùa tọa lạc giữa lưng chừng sườn núi Giếng Tiền, ngọn núi lửa đã ngủ quên hàng ngàn năm trên đảo, du khách phải vượt qua hơn 100 bậc thang men theo sườn núi để đến được Chùa Đục.

Tọa lạc ngay tiền sảnh của khu thắng cảnh chùa Đục là tượng Quán Thế Âm cao 27 mét, dẫn lên các điện thờ cổ kính, rêu phong nằm sâu trong lòng núi. Chùa Đục còn gọi là chùa không sư, theo tương truyền của người theo đạo Phật, Quán Thế Âm từng chọn ngự ở đây, trấn giữ bình yên cho dân đảo tránh được những cơn thiên tai.

Từ chùa, theo hướng tượng Quán Thế Âm nhìn ra hướng biển cảnh đẹp như tranh. Thú vị nhất là leo lên tận đỉnh Liêm Tự để nhìn thấy miệng núi lửa bây giờ là một cảnh đồng cỏ xanh hình lòng chảo. Đỉnh núi là một đài ngoạn cảnh tưởng lý tưởng để ngắm nhìn bao quát biển đảo Lý Sơn từ trên cao để hiểu vì sao nơi đây được ví như chốn tiên cảnh.

Ngoài những điểm kể trên, bạn cũng có thể ghé tham quan thêm một số điểm khác như là Mộ lính đội Hoàng Sa, Đài tưởng niệm hải đội Hoàng Sa, Đình An Vĩnh, Đình Lý Hải,….

Đặc sản làm quà ở đảo Lý Sơn

Nhỏ bé vậy thôi, chứ đến với Lý Sơn rồi bạn sẽ không thể nào cưỡng lại được trước sự hào sản trong nét ẩm thực nơi này. Cứ ăn rồi bạn sẽ khó có thể quên được hương vị biển đảo độc đáo thấm trong từng món ăn có một không hai ở nơi này.

Gỏi tỏi: Đảo Lý Sơn được mệnh danh là vương quốc tỏi, cây tỏi ngoài lấy củ còn được chế biến thành món gỏi hấp dẫn. Gỏi tỏi Lý Sơn được làm từ thân tỏi đực, tỏi nhổ lên chỉ lấy phần thân, bỏ lớp vỏ ngoài cùng, rửa sạch hấp cách thủy cho chín rồi trộn với các loại gia vị, rắc thêm ít đậu phộng là có món gỏi có hương cay nồng của tỏi ngon tuyệt.

Gỏi rong biển: Một trong những đặc sản của biển đảo Lý Sơn, nếu ai từng thưởng thức qua, hẳn khó mà quên hương vị đậm đà của món gỏi rong biển nơi đây. Những cọng rong biển thân tròn, rẻ nhánh như những cành san hô, xanh trong trộn lẫn giữa những cọng rau húng quế,bên trên, rắc khéo những hạt đậu phộng và ít hành phi dậy mùi kích thích khứu giác.

Gỏi sứa: Món ăn không cầu kỳ, phức tạp là công thức của món gỏi sứa ngọt mát này giống như người dân xứ đảo luôn mộc mạc vậy. Sứa vừa vớt về đem ngâm trong nước chuối chát xắt mỏng để sứa đỡ ra nước, sau trộn với rau thơm, xoài, khế… pha chế chén nước chấm bằng mắm ngon. Ngoài ra, người dân nơi đây còn phi hành với dầu ăn dậy mùi thơm, vàng rộm trộn đều nhau, rồi rưới nước mắm và nêm nếm món gỏi cho thật vừa khẩu vị, và rắc thêm đậu phộng.

Ốc tượng: Ốc tượng là món hải sản nổi tiếng nhất ở đây, được nhiều du khách ưa chuộng. Ốc tượng không phải dễ tìm, nói là ốc biển nhưng không phải biển nào cũng có. Đảo Lý Sơn có lẽ được xem là quê hương của loài ốc tượng. Loại ốc tượng to và ngon nhất phải chọn loại lớn cỡ bàn tay xòe, nặng khoảng nửa ký. Người dân đảo Lý Sơn có thể chế biến loại ốc này thành các món ăn đơn giản mà cực ngon.

Ốc cừ: Gọi là ốc cừ vì ốc có miếng vảy che trước miệng tròn tròn giống chiếc cúc áo cứng như xà cừ, thịt ốc giòn và rất ngọt. Ốc cừ ở vùng biển Lý Sơn ngon hơn ốc ở các vùng biển khác. Ốc cừ được bắt từ biển, nơi nào có sóng lớn thì ốc càng ngon. Khi thủy triều rút xuống thấp, dạo mé bãi biển đã có thể bắt được ốc cừ, nhưng chỉ là ốc nhỏ. Muốn có ốc to phải ra biển thật sâu. Ốc cừ thường được người dân đảo chế biến bằng những hình thức dân dã như: nướng, luộc hay xào sả ớt nhưng vẫn rất ngon và độc đáo, giữ được hương vị của loại đặc sản vùng biển đảo Lý Sơn.

Cua Huỳnh Đế: Đến Lý Sơn, bạn không thể bỏ qua những món hải sản tươi ngon một trong những đặc sản của Lý Sơn chính là cua huỳnh đế. Cua huỳnh đế được tôn xưng là vua của các loài cua. Bởi cua huỳnh đế có bộ áo giáp dày và cứng, màu đỏ hồng như chiến bào, li ti gai nhọn xuôi theo thân, càng to, cạnh sắc lém như dao. Trong lịch sử, loài cua huỳnh đế vốn là đặc sản tiến vua bởi thịt cua mềm, càng ăn càng ngon, thơm và bổ dưỡng.

Cua dẹt: Cua dẹt cũng được coi là một đặc sản của Lý Sơn. Trước đây, du khách nào đến đảo Bé muốn ăn con cua dẹt không phải là chuyện dễ bởi không phải ngày nào cũng bắt được chúng. Chúng chỉ bò lên từ những hốc đá sâu sau những cơn mưa dông, nay có nhiều hộ dân đã nuôi được chúng, bạn đã có thể thoải mái thưởng thức chúng bất cứ lúc nào.

Những con cua trông khô cằn, hoang dã thế nhưng khi nướng lên mùi thơm ngào ngạt. Bóc lớp vỏ đen cháy, những múi thịt trắng ngần săn chắc lộ ra, chấm muối ớt ăn nghe dậy lên vị thơm ngọt đậm đà.

Cháo nhum biển: Con nhum – còn gọi là cầu gai hay nhím biển – hình dáng xù xì, xấu xí y hệt chùm gai, thường sống bám từ những bụi lá huệ quanh đảo. Sau khi đánh bắt , người dân bổ đôi con nhum, gỡ thịt chấm muối chanh với bồ tạt, ăn sống ngay khi mới vớt lên khỏi mặt nước hoặc trộn thịt nhum với trứng chưng mặn để ăn cơm. Có người nướng hoặc um thịt nhum với bắp chuối chát và cây chuối non… Nhưng, ngon nhất vẫn là món cháo nhum, ăn nóng , hương vị của món ăn này rất đặt biệt, có chút ngọt, chút mặn, hòa lẫn vị béo.

Cá tà ma: Cá tà ma là một loại cá sống ở biển, da có vảy màu nâu đen, thân dẹt, hình giống như con cá rô phi nước ngọt nhưng to hơn. Theo người dân ở đảo, sở dĩ loài cá này có tên tà ma là do chúng sống chủ yếu ở các gành rạn, rất lanh khôn, khó đánh bắt, nên dân gian gọi như vậy. Thịt cá tà ma dai, chắc ngọt, mùi vị thơm lạ lùng, phần lườn là chỗ ngon nhất, nên ăn cá này ai cũng phải gắp ít lườn để thưởng thức vị béo rất riêng. Mùa đông người dân đảo thường nướng cá, mùa hè nắng nóng thì nấu canh hẹ, canh chua, lẩu, cháo.

Hàu son xào: Huyện đảo Lý Sơn chẳng những có nhiều hải sản quý, mà còn nhiều món ăn dân dã như món hàu son xào đu đủ với hương vị độc đáo, đã đem đến cho người thưởng thức hương vị khó quên. Hàu son hay còn gọi là Vẹm thuộc loài nhuyễn thể, có ở khắp gành, sống trong lớp cát san hô có rong biển. Vẹm hình bầu dục, lớn hơn ngón tay cái một chút. Bắt vẹm đem về dùng dao nhỏ, mũi nhọn tách vẹm làm 2 nửa, nạy lấy ruột. Ruột vẹm lớn gần bằng đầu ngón tay út, có màu đỏ gạch rất tươi. Cái ngon của vẹm là phải lấy ruột vẹm sống. Còn nếu phải luộc cho 2 nửa vỏ tách ra để lấy ruột như thế, sẽ mất đi vị ngọt và chẳng còn ngon nữa.

Lý Sơn  thật sự là hòn đảo ẩn chứa một vẻ đẹp xao xuyến lòng người mà khó có nơi nào có được, xứng đáng là một điểm đến  bạn nên dành thời gian để đến một lần trong đời. Hy vọng rằng một số kinh nghiệm bỏ túi nho nhỏ mà Thichkhampha.net chia sẻ  trên đây sẽ giúp cho chuyến du hí đến Lý Sơn của bạn thêm trọn vẹn niềm vui.

Một số lưu ý khi đi phượt đảo Lý Sơn

  • Bạn nhớ mang đầy đủ giấy tờ tùy thân để tiện cho việc lưu trú trên đảo. Bên cạnh đó, du khách cũng nên mua bảo hiểm du lịch, thuốc chống say sóng để chuyến hành trình diễn ra như ý.
  • Trên đường ra cảng Sa Kỳ nên cố gắng lưu giữ lại vài kiểu ảnh vì cung đường cũng rất đẹp. Đến với Lý Sơn, bạn nên ngồi trên boong tàu cao tốc. Thi thoảng bạn có thể ngắm những đàn cá chuồn vượt sóng lao lên không trung. Cảnh tượng rất chi là thích mắt..
  • Do chạy máy phát điện, ban ngày ở Lý Sơn không có điện, ban đêm chỉ phát điện từ 17g-23g nhưng đêm có đêm không. Nước sinh hoạt cũng hạn chế. Nên các bạn cần chuẩn bị pin dự phòng cho các thiết bị điện tử của mình. Cuối tháng 10 đảo sẽ có điện lưới quốc gia.
  • Đến với Lý Sơn đúng ngày 4-8 tháng Giêng âm lịch, bạn có thể tham gia lễ hội đua thuyền của 02 là An Hải và An Vĩnh. Đặc biệt, vào ngày 08 tháng Giêng sẽ diễn ra hội đua thuyển của 08 chiếc thuyền (02 bộ Long Ly Quy Phượng). Nghe nói giải thưởng không đủ để ăn nhậu, tuy nhiên ai cũng hứng khởi bởi nghe nói thôn nào mà nhất năm đó, cả thôn làm ăn phát đạt, đi tàu đi bè thuận buồm mát mái…

Chúc các bạn có một chuyến đi thật vui vẻ!